Trong thị trường hiện nay, mỗi năm các hãng mỹ phẩm đều cho ra những công thức kem nền ít tác dụng phụ nhất cho da. Nhưng để có một sản phẩm bọc da hoàn hảo thì không thể tránh khỏi những tác hại cho da mặt sau này.
Trước đây, chất liệu chế kem nền ở dạng thô với các hạt sắc tố lớn gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến da bị ngạt. Sau này kem nền chất lượng đặt tiêu chí bảo vệ da khỏi tác động của môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, có bổ sung thành phần chống nắng SPF, vitamin E chống lão hóa, chống gốc tự do và chất bảo quản. Có kem nền cho từng loại da khô, da nhờn (với bổ sung chất diệt khuẩn). Nếu sử dụng nhầm nền da khô cho làn da dầu có thể bị thừa nhờn, nổi mụn. Trong kem nền dành cho da dầu thường có chất sát trùng vì vậy nếu dùng nhầm cho da khô, làn da có thể bị bong tróc, lớp kem trên mặt rạn vỡ.
Lớp kem nền cần phải được rửa sạch vào ban đêm, nếu không sau một thời gian làn da cũng có thể từ bít tắc dẫn đến viêm tuyến bã, sinh mụn bọc.
Theo các bác sĩ da liễu, hiệu ứng phủ mịn của kem nền là khó cưỡng nhưng phụ nữ chỉ nên dùng nó 2-3 lần/tuần. Mặc dù các hãng sản xuất đều đưa ra lời quảng cáo về tính bảo vệ da của sản phẩm nhưng nếu muốn thực sự bảo vệ da, chúng ta nên có chế độ kem dưỡng, mặt nạ giữ ẩm vào mỗi tuần để giữ da khỏi tác hại từ kem nền.
Vào mùa đông, nhiều người da khô than phiền lớp kem nền không bám đều vào da, gây vệt loang lổ. Trường hợp này bạn có thể trộn đều một chút kem dưỡng vào kem nền cho kem mềm và bám da hơn.
Để đạt được hiệu quả như che phủ khuyết điểm, làm sáng mịn, có độ bám da mặt kéo dài thời gian trong ngày ... kem nền cần phải có những thành phần như dầu silicon, axit béo, axit stearic (tinh bột, titanium dioxide). Các thành phần này không phù hợp với làn da quá dầu hoặc đang có dấu hiệu viêm. Một thời gian sau khi sử dụng tích cực kem nền, làn da có hiện tượng dày và bì hơn, phát ban, xuất hiện mụn cám, mụn bọc.
Với làn da dầu, nên tìm trong thành phần kem nền các chất độn như tinh bột sắn (đặc tính hút nhờn cao), bột gạo, titanium dioxide, cao lanh (đất sét trắng). Khi đánh lên da các thành phần trên mang lại hiệu quả như bột phấn phủ bám hút vào da.
Nếu bạn đặt yêu cầu kem nền cần phải bám phủ chắc trên da mặt mà không hòa tan với chất nhờn tiết trên da suốt cả ngày thì trong thành phần phải có dầu silicon. Với làn da mẫn cảm, nhất định cần sản phẩm có ghi rõ "oil free" (không chứa dầu).
Dù sản phẩm có đủ các thành phần an toàn cho da, các chuyên gia vẫn khuyến cáo hạn chế dùng nền vào mùa hè. Khi bạn di chuyển từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nắng, sẽ không tránh khỏi hiện tượng trộn lẫn giữa kem, mồ hôi, chất bã nhờn trên da mặt. Đấy là chưa nói dưới tác động của nhiệt và ánh nắng gay gắt kem trên mặt dễ bị oxy hóa, đổi màu.
Lưu ý:
- Hãy cảnh giác với sản phẩm nền không trôi trong suốt cả ngày. Độ bền chính là con dao hai lưỡi, lớp da bị phủ kỹ không có cơ hội để thở. Để có công thức kem nền dễ thở nên hòa một chút kem dưỡng ẩm vào kem nền.
- Kem nền không phải là sản phẩm bảo vệ tốt nhất cho làn da. Không thể nói là tuyệt đối vô hại với các thành phần (tuy ở mức cho phép) như oxit sắt, chất màu hữu cơ và vô cơ, chất màu thực vật và tổng hợp ... Vì vậy hãy đảm bảo là bạn sử dụng nó ít nhất có thể.
- Không đánh kem nền trực tiếp lên da, trước đó nhất thiết phải có bước kem dưỡng lót tạo khoảng cách.
- Không nên đánh nền khi đi bơi, tắm biển hoặc trong lúc hoạt động thể thao. Làn da lúc này giống như lá phổi cần được hít gấp lượng lớn oxy vào thì lại bị bóp hẹp cửa vào.
- Khi mua sản phẩm cần từ chối ngay những sản phẩm có màu kem đậm nhạt không đều, mùi hôi, có váng và nước đọng.
- Tẩy trang nền với nước tẩy trang chuyên dụng rồi mới rửa mặt bằng gel bọt. Tránh rửa lớp nền trực tiếp mà bỏ qua bước tẩy trang.
Theo Hoàng Anh (Dược & Mỹ phẩm) |